Post Reply 
Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Author Message
Bọ Già Offline
Outstanding member
*****

Posts: 11,405
Joined: Dec 2012
Post: #1
Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Thú ăn phở


Bùi Bích Hà

[Image: to_pho_ngon.jpg?w=225&h=300]


Năm đầu của thế kỷ mới, bạn bè vùng quận Cam kháo nhau về món phở của một ông đầu bếp tài tử cả đời mê phở. Thoạt tiên, ông chỉ nấu phở vào cuối tuần để đón tiếp tại nhà một số thân hữu gốc gác Hà Nội thời năm cửa ô xưa, ba mươi sáu phố phường với Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn. Chúng tôi thường gọi điện thoại rỉ tai nhau, nhỏ to rủ rê. Ai đến muộn là hết phần.

Ngôi nhà của ông nằm trên một con đường nhỏ, đâu đó thuộc thị xã Garden Grove mà nay qua thời gian, tôi không còn nhớ rõ vị trí. Thế nhưng tôi vẫn dễ dàng hình dung ra cái bàn gỗ khá rộng, trải tấm nilông có những ô vuông màu xanh, kê ở gian ngoài, liền với phòng khách bên tay phải và bếp bên tay trái. Từ chỗ ngồi, khách ăn phở có thể nhìn thấy ông đứng thong thả thái thịt bên cạnh nồi nước dùng thoảng bay mùi thơm của phở, cái mùi đậm mà không nồng, cái mùi luôn pha lẫn với kỷ niệm, cào khẽ lên trí nhớ thực khách về một điều gì mơ hồ, ray rứt.

Mặt bàn trải khăn nhựa trống trơn, không có một thứ gì khác khi những tô phở được chính chủ nhân trịnh trọng đưa ra. Quen miệng thì gọi bằng tô, chính ra là bát phở, như người Hà Nội thế kỷ 20 vẫn gọi như thế. Bát phở không sâu quá, cũng không to quá mà thanh cảnh, không có những thứ tạp nhạp phải chừa lại, vừa vặn cho một lần ăn để còn thòm thèm. Thái thịt cũng là một nghệ thuật, từ kích cỡ to nhỏ lẫn bề dầy, phải miếng nào ra miếng đó tùy loại: tái, chín, gầu, nạm, mỗi miếng thịt là niềm tự hào trong bàn tay nâng niu của người nghệ sĩ. Phở ở tư gia của ông đầu bếp Bắc Kỳ không có món ăn kèm nào khác, chỉ có hành trần, chanh, ớt, hạt tiêu xay. Có bà người nam theo bạn đến ăn, chờ mãi không thấy đĩa rau húng, ngò gai và giá, bèn hỏi. Ông hàng phở tài tử như một sinh vật quý hiếm còn sót lại của thành phố Tháp Rùa, tủm tỉm cười, lễ phép trả lời: “Thưa bà, phở nhà tôi không có những thứ này. Lần sau, mời bà xuống phố Bolsa.” Lúc ra về, bà khách hậm hực than phiền với người dẫn đường: “Lần sau? Đâu có lần sau nào nữa? Phở không giá, không rau, mà gọi là phở?” Chủ nhân nghe kể lại cùng với lời yêu cầu nên dọn giá và rau cho thực khách, ông vẫn cứ tủm tỉm cười: “Ăn phở mà đòi rau với giá, sao gọi là phở?”

Ở ngôi nhà nhỏ trên con đường tĩnh mịch của thị xã Garden Grove vài năm đầu thế kỷ 21, có những cuối tuần đông vui bằng hữu gọi nhau đi ăn phở như thế. Từ sáng đến chập tối, ngót hai trăm tô phở hết nhẵn.

Ðược ít lâu, ông không nấu nữa, tắt bếp, xếp bàn ghế vào gara. Gặp ông, hỏi thăm, ông bảo “Nhọc rồi, không làm nữa.”
Khách ăn quen, đâm nhớ. Trong cái nhớ, hình như có cả những góc phố Hà Nội-Sàigòn trước và sau 1954. Có cả hình ảnh những đứa bé trai hay gái một thời háo hức theo bố mẹ đi trên những vỉa hè lờ mờ bóng tối để đến cái xe phở lắc lư ngọn đèn câu trên một quãng đường Saigon nay cũng đã chia xa. Một ông hàng phở chân truyền khác, chạy giặc từ Bắc vào Nam, gầy guộc, mặc cái tạp dề cháo lòng đứng sau mấy miếng thịt bò treo lủng lẳng, cái tủ kính nhỏ đựng những sợi phở trắng muốt và bên nồi nước dùng sôi khẽ, thỉnh thoảng mùi phở thơm theo tay ông dở cái nắp đậy, bay lên, làm ấm cả một khoảng đêm mát lạnh.

Thế sự thăng trầm, thoắt cái hơn mười năm. Bỗng dưng một hôm thấy báo đăng quảng cáo tiệm Phở mới khai trương, cung cách nghe chừng quen quen của hàng phở tại gia cũ. Bấm đốt tay tự hỏi: “Chả lẽ thêm cả chục tuổi thọ nữa rồi mà giờ đây ông đầu bếp mê Phở năm nào lại bớt nhọc?”

Có lẽ ông bớt nhọc thật vì đích thị ông là chủ nhân tiệm phở vừa chính thức khai trương trong khu thương xá mới mở bên ngoài Little Saigon. Ngay cửa vào, ông bầy cái gánh phở bằng gỗ, to đùng, bề thế. Nó gọi dậy trong tôi một ký ức khác. Nó gọi dậy cái bóng đen lù mù, lầm lũi chuyển động, chút lửa hồng cháy dưới bước chân trần in lên mặt đường vắng những tối mùa đông ở cái thành phố Huế thương yêu của tôi. Không ai đoán ra nó là cái gì cho đến khi hàng phố sắp sửa đi ngủ, chợt nghe lảnh lót tiếng rao “phớ…” Chừng như ông đầu bếp tiệm phở này cũng từng trải qua một tuổi thơ đứng ngồi đâu đó, xì xụp húp đến cặn bát nước phở nóng và thơm đến tê đầu lưỡi để đến bây giờ ông vẫn chưa quên?

Tiệm phở rình rang đón khách của ông bài trí khá cầu kỳ so với các tiệm phở khác. Tranh tường, hoa lụa xum xuê, ghế với tựa lưng cao tạo sự riêng tư cho thực khách tuy thực đơn của tiệm chỉ giản dị có độc một món phở bát. Ông đầu bếp chủ nhân phải tự tin lắm mới xâm mình chấp nhận phương thức kinh doanh độc chiêu này.

Từ nhà riêng ra đến chợ đời, ông mới thấm ngấm thực tế chua cay giữa “chiêu đãi” và “sản xuất cho số đông.” Nhập gia tùy tục, tuy tiệm phở đã lập tức nhượng bộ khách hàng với tương đen, tương đỏ, rau húng, ngò gai, giá chín, giá sống bày trên bàn nhưng những buổi đầu, khách ăn phải chờ quá lâu, bánh phở thì nhũn, cà phê dọn trong tách không có đĩa lót và thực khách phải nháo nhác đi ra chỗ để đũa muỗng, tự lấy cho mình. Chủ nhân ông trông phờ phạc, thương tiếc đứa con tinh thần của mình bị thay hình, đổi dạng và con đường tươi nắng trong lòng ông giờ đây rã rời hoa lá.

Ngày một, ngày hai, ông thắc mắc, ông lắng nghe, quan sát, sửa chữa. Tại sao bát phở chóng nguội khi khách chưa ăn đến thìa cuối? Tại nhúng bánh không kỹ. Tại sao miếng thịt chín không dậy hương, thơm đến tận kẽ răng? Tại thái mỏng, không đúng độ dầy. Mấy cái anh Mễ tập việc này làm như máy nhưng không bằng máy mà tam sao thất bổn, lúc này lúc kia, đâu có cái hồn Việt Nam, đâu có “tâm tình gởi theo ý thơ” lúc nào cũng đầy cảm hứng và có cái trau chuốt của người đầu bếp đưa ẩm thực lên hàng nghệ thuật? Ðội ngũ phục vụ thì đa phần là con cháu, từ lóng ngóng đến quen việc hơn, rồi dần dà cũng tạo được sự hài lòng cho khách. Sáng sớm cho đến 8 giờ tối, tiệm lúc nào cũng có người đến ăn ngồi kín nhiều bàn, cuối tuần phải chờ.

Nói về ăn uống, mỗi người một khẩu vị khác nhau. Người thích tô phở đầy tú ụ, nồng nàn hương hoa hồi và quế, những cái bong bóng chất béo loáng trên mặt nước dùng và người ăn tự do nêm gia vị theo sở thích. Ăn lấy no, lấy thỏa, căng bao tử là đứng lên lo làm việc khác. Người thích không phải tô mà là bát phở, chẳng lấy thịt đè người, miếng tái cần ngọt, miếng chín cần mướt mát, đậm đà, miếng vè gầu cần dòn, miếng gân cong như bánh tráng mỏng, miếng nạm cần lượn lờ tí mỡ dắt ở vòng ngoài, bánh phở phải mượt và đủ dai để không đứt, nước phở phải trong…vv…Chao ôi, nhiều cái phải quá! Bát phở ngon, thậm chí chỉ cần gia vị một múi chanh nhỏ. Sợ béo mà vắt tới 2 múi là hỏng. Phở của một thời Hà Nội chân truyền và thanh lịch không bao giờ có cái vị ngọt lợ của bột ngọt thời công nghệ ngày nay. Trái lại, vị ngọt của phở bắc nguyên thủy là sự giao duyên mộc mạc, gắn bó, có đằm thắm song cũng có cái đậm đà sắc sảo của xương thịt tẩm vào mắm muối, làm nên mùi vị quyến rũ riêng biệt của nó tựa như mùi vị người tình, nếm trải một lần là ghi khắc mãi mãi trong tâm khảm, xa cách bao nhiêu khi gặp lại, vẫn nhận ra cố nhân và thấy lòng thổn thức.

Thế nên, đi ăn phở thường là để bắt đầu hay kết thúc một ngày không vội vã, là nhẩn nha quay về cái thềm nhà cũ, tìm lại mùi hương xưa khua rộn ràng trong trí nhớ, nhâm nhi miếng thịt, cọng phở, lát hành, thả trôi mình trên giòng thời gian bảng lảng. Hôm qua, hôm nay, ngày mai, chỉ còn giây phút này một giấc mơ thôi…

Có lẽ chính cái cung cách ăn phở như vừa mô tả đã thúc đẩy người đầu bếp nghiệp dư tận tụy kia không cưỡng được ý nghĩ di chuyển cái bếp nhỏ ở nhà ông ra tiệm lớn sau mười năm nghiền ngẫm, thận trọng hỏi lòng.

Giờ đây, vài lần hiếm hoi tôi ghé lại tiệm khi thành phố hoàng hôn đã lên đèn, thấy ông gọi con cháu pha cho ông một ly cam vắt. Dưới vành mũ lưỡi trai che hết vầng trán hằn dấu vết thời gian, tôi không biết ông buồn hay vui, chỉ thấy trên khuôn mặt ông nụ cười tủm tỉm muôn thuở. Ông gật gù đoan chắc: “Cứ từ từ… Cứ kiên tâm. Người ta sẽ hiểu, sẽ thưởng thức nét tinh tế của cái món ăn mang nặng tình tự dân tộc này.” Xuôi giòng năm tháng, Phở có mặt khắp nơi, trong mọi tình huống lịch sử hiểm nghèo và gian nan nhất. Ở khu chợ chiều heo hút bên bờ sông Ðáy, làm ấm lòng những bà mẹ tản cư chạy chợ, thách đố với tử thần. Phở lẫm liệt theo chân đoàn người di tản vượt Thái Bình Dương, chinh phục nước Mỹ, vượt Ðại Tây Dương chinh phục Âu châu.”

Bàn về mối tình son sắt của ông với phở, tôi định hôm nào hỏi xem ông có thuộc thơ Nguyễn Bính không?

…”Thầy u mình với chúng mình chân quê,
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều…”

Cho tới nay, trải hơn ba thập niên phố xá của người Việt di tản phát triển không ngừng tại quận Cam, duy nhất chỉ có thương hiệu PHỞ 86 của chị Quốc trên đường Brookhurst, thành phố Westminster, thành công đáng nể với thực đơn Phở Only làm vừa lòng người sành điệu.

Bùi Bích Hà

If life has good time, it must also have hard time!!!
Growing old is compulsory!!!
11-03-2020 09:50 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Bọ Già Offline
Outstanding member
*****

Posts: 11,405
Joined: Dec 2012
Post: #2
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Lẻ bóng



Bùi Bích Hà



[Image: back_view_of_old-_asian.jpg?w=249&h=300]

Ông là một trong những bác sĩ Việt Nam di tản kịp trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Tới Mỹ, ông đi học lại, hành nghề rất sớm và thành công tại quận Cam ít nhất trên ba thập niên cho tới khi nghỉ hưu.

Tất nhiên như mọi người có cùng địa vị với ông, ông làm chủ một quỹ về hưu khá lớn, cho phép ông vẫn giữ nếp sống thoải mái như thời còn làm việc. Chỉ có điều, ông than thở: “Nhà cao cửa rộng phải bán đi vì lầu cao, đầu gối đau, không lên xuống cầu thang được, chưa kể nhà lớn quá mà một thân một mình, ở sao hết? Sức đâu mà dọn dẹp?

Nhìn cái hồ bơi đầy lá vàng chỉ thêm cám cảnh. Thảm cỏ sân trước, vườn sau cần người chăm sóc nhưng người làm vườn khi tới khi không, gọi khi được khi mất, chỉ tổ bực mình, nhức đầu. Mời các con, cô cậu nào muốn lấy cái nhà, ông giao nhưng chúng nó, thứ nhất đã có nhà rồi, đẹp và sang gấp mấy lần cái nhà của ông ở Fountain Valley, mắc mớ gì phải nhận của ông để bị anh chị em nhòm ngó, tỵ nạnh, chưa kể nhận cái nhà rồi, sau này khi ông cần gì, nó sẽ là đối tượng thứ nhất được chiếu cố và giao phó trách nhiệm.

Ông đành bán nhà, dọn vào một căn mobile home ở giữa khu Little Saigon cho ông tiện đi lại hoặc hẹn hò bạn bè cũ mới. Nhà ba phòng, sửa sang tươm tất trông cũng khang trang, đẹp mắt, nhưng với ông hôm sớm vào ra một bóng, vẫn còn quá dư thừa. Mấy bụi hoa xung quanh nhà được cắt tỉa gọn ghẽ vì người phụ trách cây cảnh của chủ đất rất dễ gọi để nhờ vả. Tuy nhiên, “vườn Thúy” của ông thiếu đôi mắt phượng nên không được sum suê và mỹ quan như bên hàng xóm. Ông nhớ cái vườn cây quý tự tay ông đi kén chọn mua giống, chăm bón và săm soi những ngày xưa thần tiên đã xa xôi rồi, ông tặc lưỡi, lắc đầu mấy cái, như người đi dưới cơn mưa muốn rũ sạch những giọt buồn trên khóe mắt.

Nhà đã vậy, xe đẹp cũng thường xuyên nằm ụ vì ông không còn đi đâu xa, ngay cả đi gần thì cũng phải về nhà trước khi tắt nắng vì mắt quáng. Gần đây, vẻ ngoài cái xe và ông chênh lệch nhau nhiều quá, một bên bóng lộn, khỏe mạnh, vạm vỡ, một bên hom hem, xập xùi, yếu ớt, khiến ông ngại ngùng mỗi khi ngồi vào ghế lái, chậm rãi lùi xe ra khỏi gara mà có người đang nhìn ông.

Thêm nữa, do thị lực yếu đi, ông không mấy tự tin vào khả năng ước lượng khoảng cách của cặp mắt mỗi khi cần vào một chỗ đậu xe hơi chật, sợ cọ quẹt, nên ông bắt đầu thấy cái xe Lexus 450 của ông không thích hợp với ông nữa. Gần đây, ông nghe bạn bè kháo nhau xe Honda kiểu Civic đời 2018 rất đẹp, đầy đủ tiện nghi, thoáng nhìn sang trọng không kém kiểu xe đắt tiền, mua mới từ dealer ra chỉ trên dưới $20,000, xài xăng thường, đổ đầy bình chỉ $20 một lần, bảo hiểm cũng rẻ, bảo trì càng không tốn vì hợp đồng bảo trì miễn phí của dealer có lẽ dài hơn số năm tháng còn lại của ông, chưa kể xe nhỏ nhắn, vào ra parking dễ dàng. Ông đang tính bữa nào chờ có đợt xeo, sẽ ra Honda World đổi một chiếc.

Lúc mới dọn vào khu mobile home trên đường Bolsa, thấy chợ Mỹ, chợ Việt đều gần, ông sung lắm, tự đi chợ và nấu nướng. Được ít ngày, một bữa ông đang ngồi xem ti vi, thoáng thấy có lửa cháy trên màn hình, ông hơi ngỡ ngàng, chưa biết là chuyện gì thì ông nghe mùi khét. Quay nhìn vào bếp, ông hết hồn thấy lửa đang phừng phừng. May phước đầu óc còn tỉnh táo, ông phóng ba bước tới cái lò và nhanh tay vặn cái nút tắt. Sau lần đó, lớp thì cọ rửa soong nồi, lớp lau bếp bắt mệt, may là máy báo khói chưa hú chớ không cả xóm kinh động rồi, ông quyết định thôi không nấu nướng nữa mà ăn cơm phần hay cơm chỉ cho khỏe, ngày nào ưa ăn ngon thì đi kéo ghế. Tủ lạnh nhà ông lúc nào cũng có chả lụa, chả chiên; tủ pantry thì đầy oat meal, súp hộp và mì gói, không bao giờ sợ cơ lỡ.

Thức ăn giải quyết được rồi nhưng ông nói ăn một mình buồn quá, nhiều khi nghẹn ngào muốn buông đũa, buông chén. Ông than không có gì chán hơn là cứ lui cui cặm cụi gắp, nhai, nuốt một mình, xung quanh vắng lặng không tiếng người, không cả tiếng dép hay tiếng rót một ly nước. Có bữa ông bưng cái tô vừa cơm vừa thức ăn ra đứng bên cửa sổ bếp, ngó mông ra ngoài, thử coi có gì vui không nhưng cũng đâu có gì vui?

Cư xá của ông toàn người cao niên, vắng cả tiếng trẻ con nô đùa. Cụ Nguyễn Du chẳng đã từng hạ bút viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” ư? Trong trí tưởng ông, thấp thoáng hiện lên quang cảnh gia đình đông vui ngày nào, vợ ông tươi mát như một bông huệ tây, ngồi giữa đám cháu nội ngoại lau hau, đứa này níu tay ông, đứa kia níu tay bà, om xòm tiếng Anh tiếng Việt, grand ma, grand pa, bà ngại, ông ngại, hỏi một trăm câu hỏi mà ông chỉ trả lời qua loa rồi bán cái cho bà, bà không biết sao thì lại chỉ qua ông.

Riêng ông chốc chốc nhìn đồng hồ, chỉ mong sao đến giờ, bố mẹ chúng tới đón hết đám trẻ của từng nhà về để trả lại ông bà ngôi nhà yên tĩnh trong buổi chiều. Trong khi bà kiên nhẫn dọn dẹp đồ chơi và thức ăn thừa mứa do lũ trẻ bỏ lại, ông ngồi duỗi chân xem ti vi tin tức hay ca nhạc, chờ bữa ăn tối ngon lành, nóng sốt, thay đổi hàng ngày nhờ bàn tay của bà.

Bây giờ, ông đảo mắt nhìn một lượt căn nhà sạch sẽ, sàn gỗ không một cọng rác, một mẩu giấy vụn, bàn ghế ngay ngắn, đồ đạc đâu vào đấy, trật tự, lạnh lẽo như chưa từng xô động, như không có ai ở, ông thấm ngấm đến tận xương tủy cảm giác hiu quạnh lạ thường. Đàn cháu nội ngoại ngày nào ríu rít như chim, nay đã trưởng thành, vào/ra đại học hết. Thỉnh thoảng có đứa còn nhớ ông, điện thoại hỏi thăm, tới chở ông ra phố uống cà phê hay ăn chè, khiến ông vui cả ngày.

Bạn bè cũ biết ông thích hát, có người rủ ông đi karaoke buổi tối ở các câu lạc bộ khiêu vũ. Ông theo họ đi giải trí cho quên bớt thời giờ trống trải nhưng trở ngại của ông là ông thích hát song không thích nhảy đầm. Hát xong vòng đầu, ông phải chờ khá lâu mới đến vòng nhì và sẽ về khuya lắm, ông sẽ mất ngủ vì quá giấc rồi lại phải uống thuốc ngủ mà ông thì rất sợ bị nghiện. Vì vậy, ông không đi thường xuyên như lúc bắt đầu nữa, đành chấp nhận nhiều hôm một mình đối bóng với đêm trường.

Năm nay ông đã ngoài 80 nhưng 10 năm trước ông chỉ mới ngoài 70. Chẳng phải ông vì lễ giáo của tông môn và sợ miệng đời mai mỉa mà nhắm mắt bỏ qua cơ hội đi tìm kiếm một hạnh phúc cho quãng đời còn lại của ông ư?

Như gia chủ buổi họp mặt bằng hữu hôm nay cũng ngoài 70 khi hai ông bà gặp nhau trong tình cảnh góa bụa, hiểu ra họ cần nhau và quyết định tạo dựng một mái ấm chung với con cái hai bên đều đồng thuận chọn lựa của bố mẹ. Họ vui lòng trả giá để có những buổi sáng thức dậy cùng nhau đón mặt trời và nghe chim hót trong vườn, ngồi bên nhau uống tách cà phê thơm đầu ngày, ăn món điểm tâm tùy thích, nói năm ba câu chuyện trên trời dưới biển đem lại cho nhau những tràng cười sảng khoái.

Tại sao khước từ những ngụm mật ngọt ấy, cái hạnh phúc ấm êm cận kề ấy mà nghĩ rằng mình khôn ngoan? Thật ra, chỉ vì vẩn vơ lo sợ những điều mình không biết trước và biết chắc có xảy ra hay không? Mà nếu biết trước và biết chắc, liệu có tránh được không, ngay cả xoay chuyển chúng được không? Ở chặng đường cuối một đời người, không ai còn nhiều thời gian phí uổng nữa nhưng có lẽ phí uổng là cách giải quyết dễ nhất khi không có nhiều chọn lựa.

Trên cõi trần gian nhiều phiền trược này, chỉ nghe con người phàn nàn đời không một ngày hạnh phúc nhưng không nghe ai thở than đã một thời hạnh phúc cho dù sau đó, như bầu trời mưa nắng bất thường, vạn vật đổi thay và hạnh phúc cũng sang trang…

Riêng ông, hoàn cảnh có khắc nghiệt hơn vì bà đang ở nhà dưỡng lão. Hằng ngày vào thăm bà, nhìn vào đôi mắt trống vắng, lạnh băng của bà, cầm hai bàn tay bà ấm thân nhiệt, không ấm một dấu hiệu cảm xúc, ông nghẹn ngào nói thầm: “Em ơi, em đã trả lại mọi buồn vui cho đời, không còn bận tâm chi nữa, có biết là anh rất khổ không?” Ông hỏi rồi ông tự nghiệm ra câu trả lời, không ai có thể giúp ông một câu trả lời nào khác.

Mỗi ngày qua, hết chiều đến đêm, hết những công việc phải chu toàn cho mình trong cuộc sống như một bổn phận không thể chối từ, ông ngồi trên ghế bành, mở ti vi cho có tiếng người, không xem, không nghe. Mở nhạc để âm thanh cho ông sự êm dịu trong căn nhà lạ dù ông đã ở đây gần ba năm. Nó không cho ông một hồi ức nào nên không có gì gắn bó.

Ông thèm một tách trà thơm, một ly cà phê nóng nhưng ông ngồi yên vị tại chỗ vì biết những thú vui nhỏ ấy sẽ làm ông mất ngủ. Con đường của người già là con đường trong những bức tranh hay tấm hình vẽ hoặc chụp viễn cảnh, hun hút, thu hẹp dần trong mắt nhìn.

Ông chợt mỉm cười nhớ lại câu nói bâng quơ của người bạn đồng cảnh, thốt lên trong một cuộc họp mặt anh em: “Mai mốt chắc là phải đặt mua robot của Nhật.” Câu nói nhỏ, tan vào đám đông huyên náo. Ông ngồi gần, nên lọt tai. Không biết có ai cũng lọt tai câu nói như ông nhưng cũng như ông, đã cất riêng cho mình như lời tự thú về một mơ ước không tiện bày tỏ?

Đôi mắt ông nhìn mông lung ra xung quanh, chạm vào cái kệ sách chỉ còn lại ít sách quý ông mang theo tới đây, ngậm ngùi hình dung ra đời mình như cuốn sách, nay cũng đang khép lại trên án thư. Các nhân vật có vai trò đã xuất hiện, đã làm xong nhiệm vụ, đã bước ra, chỉ còn ông ở trang cuối cùng chờ cơn gió nhân duyên thổi tắt ngọn nến từ bi trong thời kinh Bát Nhã ông tụng hằng đêm, đóng lại giùm ông cuốn sách sẽ được xếp lên kệ rồi bỏ quên như chưa từng hiện diện.


Bùi Bích Hà

If life has good time, it must also have hard time!!!
Growing old is compulsory!!!
11-03-2020 09:55 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Bọ Già Offline
Outstanding member
*****

Posts: 11,405
Joined: Dec 2012
Post: #3
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Dài ngắn, thế nào?



Bùi Bích Hà




[Image: loc_vung.jpg?w=300&h=197]


Câu nói cửa miệng của mọi người thường nghe thốt lên mọi nơi, mọi lúc, là “đời người ngắn ngủi quá, vừa sáng sớm chớp mắt đã hoàng hôn.” Có vẻ cảm nhận không sai mấy nhưng biết vậy mà không nghĩ ra được cách nào để, nếu không thay đổi được lịch, thậm chí kim đồng hồ thì chí ít, có thể tận dụng sự ngắn ngủi ấy. Cứ ngồi nhìn thời gian hao mòn như cát lở ven sông thì có nên không?

Viết ra hay nói với nhau điều này tưởng như lý thuyết suông, triết lý vặt nhưng thiết nghĩ lý thuyết cũng rất cần. Bản thân kẻ viết bài này thậm dốt về môn Toán nói riêng và Khoa Học nói chung, thật lòng không dám ví von gì nhưng nhớ là có nghe ai nói đâu đó mấy chữ “Lý thuyết toán học” trước khi đi vào phần chứng minh.

Gần đây nhất, nhân cái tang nhà vật lý lỗi lạc của nhân loại Stephen Hawking vừa qua đời ngày 14 Tháng Ba, 2018, ở tuổi 76, sau hơn nửa thế kỷ vật lộn với bệnh tật trong những điều kiện gay gắt có một không hai, qua đó, cho thấy đời sống ngắn hay dài còn một cách đo đạc khác, hạnh phúc hay khổ đau còn một cách đón nhận khác, mọi người bảo nhau tìm xem cuốn phim Hollywood thể hiện một trong hai di sản to lớn ông để lại cho đời nay và đời sau: “Theory of Everything,” tôi càng thêm tin tưởng rằng Lý Thuyết rất quan trọng để bắt đầu một việc quan trọng, miễn là Lý Thuyết cần được Hành Ðộng thích hợp hỗ trợ.

Hành Động thiếu Lý Thuyết hướng dẫn, có thể đưa tới tình trạng thiếu tập trung, tản lạc, mất tác dụng; ngược lại, Lý Thuyết thiếu Hành Động dễ đưa tới huyễn mộng, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” Làm một điều gì, dù lớn dù nhỏ, dù chỉ có ảnh hưởng tích cực tới bản thân vẫn hơn là không làm gì vì thời gian lạnh lùng trôi chảy, không hề ngừng.

Cũng giống như nhiều người khác, cuộc sống chịu ảnh hưởng của một ai đó xung quanh mình. Riêng tôi, ngoài cha mẹ dạy dỗ, có hai người đã trở thành bậc thầy vĩ đại của tôi trong một cơ duyên tuyệt diệu, giúp tôi cách đi tìm và khám phá những kho báu vô hạn của cuộc đời này.

Người thứ nhất là thầy giáo dạy kèm môn Toán cho tôi chỉ trong một mùa Hè của tuổi thơ tôi ở Huế. Thầy dạy chúng tôi: “Cuộc đời có những hương thơm và mùi xú uế, các em hãy chọn lấy hương thơm. Cuộc đời có những hạt ngọc và nhiều sạn sỏi, các em hãy chọn lấy những hạt ngọc.” Câu nói của thầy đi vào trí nhớ tôi, ở yên đấy cho tới khi tôi thấy mình đứng trước những lựa chọn thì ngộ ra sự khôn ngoan thầy truyền dạy.

Thời thơ ấu ở Huế, tôi cũng thuộc nhiều thơ của Hàn Mặc Tử, “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói? Gió trăng sẵn có, làm sao ăn?” Hai câu thơ lặn sâu trong trí nhớ cho tới khi tôi bắt đầu chương trình đi bộ mỗi ngày 45 phút, vừa để thư giãn, tái tạo, bồi bổ năng lượng, cơ thể được hoạt động, vừa để có chút thời gian “thưởng thức hương thơm của cuộc đời” như lời thầy tôi dặn: hương thơm của những bụi hồng ngoài hiên, của bình trà gia đình hàng xóm vừa pha sau bữa cơm chiều; của gói mì ăn liền, một người cha, người mẹ hay người con đi làm về muộn nấu vội cho mình; của cái máy giặt đang nhả khói thơm mùi xà bông trong gara ngôi nhà bên đường; của mái tóc một thiếu nữ trẻ tuổi bước nhanh qua mặt tôi, có lẽ trên đường đi đến chỗ hẹn với người yêu…

Đến đây, tôi chợt có câu trả lời trễ tràng cho nhà thơ họ Hàn và cảm thấy xót xa ông hơn. Có hôm, con đường tôi đi dài theo bờ sông Santa Ana, dù nước không đầy lòng sông xi măng nhưng không gian trên đầu và xung quanh tôi thoáng đãng, gió mát lùa giữa hai kè đá thoải sạch sẽ và trăng non như một nét mày thanh tú hay trăng già tròn vo như cái đĩa ngọc treo ở chân trời, tha hồ cho tôi ngậm miệng hít vào những hơi dài, cảm thấy no nê bằng ngũ quan, không nhai nhưng nuốt đầy thần trí và căng buồng phổi nguồn sinh lực mới.

Người thầy thứ hai dạy tôi bài học khác là thân mẫu một người bạn thiết. Cụ thọ ngoài chín mươi, tướng mạo tươi tốt, dáng đứng thẳng băng. Cụ cười, nói với con cháu và bạn bè của chúng đến chơi nhà: “Chao ôi, cuộc đời biết bao nhiêu cái đẹp đẽ thế này mà bà phải đi, không được sống thêm để an hưởng, thật tiếc quá!” Tôi ngẩn người trước tinh thần lạc quan yêu đời của cụ.
Ngày còn bé, linh cảm về hạnh phúc của tôi ở tuổi lên bẩy, lên tám là vài khi thấy mẹ tôi buồn ngủ ríu cả mắt giữa trưa hè râm ran tiếng ve sầu trong khu vườn rộng vắng, bà vừa cầm cái quạt mo phủi quèn quẹt một chỗ trên sàn xi măng xám, đủ cho bà ngả lưng, vừa nói với tôi líu cả lưỡi: “Ui dào, được chợp mắt cái, thích quá!” Hạnh phúc và cách bộc lộ của mẹ tôi thật giản dị nhưng xem ra những giây phút ấy không nhiều. Dường như thảng hoặc những lần ngủ ngày chốc lát chỉ có hai mẹ con với nhau như thế, bà phải lấy trộm chúng từ gia nương bận rộn, bề thế của bố tôi, phải trả lại những giờ khuya khoắt để công việc vẫn đâu vào đấy trong một ngày, không có tâm trạng thảnh thơi và phong cách an nhàn như cụ thân mẫu bạn tôi.

Được biết cụ góa chồng sớm, một mình tần tảo gánh gia đình thời còn trẻ. Hai lần di tản, khi về già ở quê người, cụ cũng có lúc đau nhức mình mẩy nhưng không bao giờ nghe cụ thở than. Con cháu đứa nào rảnh rỗi, chở cụ đi chơi, vãn cảnh đó đây, cụ rất vui. Tiệm ăn nào mới mở, tiếng đồn có món ngon, cụ theo con cháu đến thưởng thức. Cụ luôn có nụ cười trên môi và lời nói ân cần với mọi người. Một hôm cụ bảo tôi: “Tôi làm món thịt bò xào cần ngon lắm, cô đến ăn cơm với các cháu nhé?” Tôi tới theo hẹn. Các thứ cần dùng để nấu nướng món ăn đã chuẩn bị tinh tươm sẵn trên mặt bàn. Cụ lăn xe gần vào bếp lò, hướng dẫn chị giúp việc từ lúc bắc chảo lên bếp, phi dầu với hành tỏi cho thơm, xào rau cần nhanh tay theo công thức “cần tái cải nhừ” rồi sau cùng xào thịt bò đã ướp sẵn. Chảo xào dậy mùi thơm lừng lẫy trong khi quạt hơi ở nhà bếp hoạt động hết công suất. Cơm dọn ra, có cả món thịt quay chọn rất khéo của ông trưởng nam gửi về để mẹ đãi khách và gia đình các em, các cháu. Cụ không ăn mà lăn xe đến, ngồi vào bàn, nhìn mọi người ăn uống với đôi mắt tinh anh, ấm áp tình cảm. Đĩa thịt quay tuy trông rất ngon nhưng vẫn y nguyên. Cụ cười tươi như hoa, nói đùa: “Món của tôi ngon hơn thịt quay, phải không? Mua phí tiền!”

Một tuần sau, tôi được tin cụ quy tiên. Các cháu kể lại: “Nửa đêm bà thức giấc và muốn uống nước. Bà chỉ trở mình vài lần rồi ngủ giấc nghìn thu. Nhẹ nhàng. Yên ả. Như chiếc lá cuối đông rời cành về với đất.”

Từ đấy, bên tai tôi thường văng vẳng tiếng cụ lẫn vào hình ảnh đôi môi mỉm cười: “Chao ôi, cuộc đời với bao nhiêu cái đẹp đẽ thế này mà mình không được sống để hưởng…” Ngay cả sự tiếc nuối, nếu quả thật là thế, đối với cụ cũng đượm nét an hòa. Ngay cả sự ra đi gần kề, cụ cũng bình tâm đón đợi, như người vừa nhẩn nha nhấm nháp tách cà phê thơm, vừa lắng nghe tiếng chim hót ngoài cửa sổ, tiếng trẻ thơ bi bô dưới mái nhà. Nhờ cụ, tôi thấm ngấm ca từ trong bản nhạc của Trịnh Công Sơn, có một lúc, tôi thấy nó vô duyên và nhà quê: “Tôi là ai mà yêu quá đời này?”

Bây giờ, có lúc tôi cảm thấy trong tôi rạt rào ý muốn kêu lên như ông khi tôi đã quen lắm với lời thầy tôi dặn dò: “Hãy nhặt lấy những hạt ngọc, hãy đón lấy những hương thơm.” Cuộc đời bỗng dưng đẹp ở những mắt nai bé thơ, ở những cung đàn muôn điệu ru hồn người, ở đôi tình nhân cầm tay nhau đi dưới hàng cây trong công viên, ở những cửa hàng hoa rực rỡ, thắm tươi bên hè phố, ở ngay cây chanh sau vườn nhà tôi bông nở trắng xóa, chi chít quả non vừa đậu, ở thương yêu có chút vụng về nơi ông bố trẻ cho con bú bình giữa một tiệm ăn đông khách, ở bàn tay người y tá cẩn thận nâng ly nước vừa tầm uống của một bệnh nhân không còn khả năng tự lo liệu cho mình…

Ôi, bút giấy nào kể hết vẻ đẹp của thế gian này? Tất nhiên cuộc đời cũng có những quy luật khắt khe, là cái giá phải trả cho nhiều điều khác. Biết thế và biết ứng xử, như thầy tôi, như cụ thân mẫu bạn tôi, để chân bước đi trong càn khôn nhẹ nhõm, để túi lúc nào cũng rủng rỉnh, leng keng mấy đồng xu hạnh phúc, để ly rượu uống chậm say đắm đến giọt cuối cùng. Vẫn hơn là cứ phải ép mình nghĩ đời là bể khổ.

Người tu khổ hạnh mong được niết bàn mà quên niết bàn không ở đâu khác, trái lại, sẵn có trong tâm lành. Thượng Đế tạo sinh con người với cả hai khả năng khổ đau và hạnh phúc, cho con người có tự do lựa chọn, vì sao con người tự đặt ra luật lệ, tự tìm kiếm cực hình để giam hãm, đày đọa mình trong ngục tù khổ đau (vô ích) thay vì chắp cánh cho mình bay cao, vượt thoát những giới hạn trầm luân ấy? Nỗi đau dài ba, bốn thập kỷ không còn là nỗi đau với cường độ ban đầu nữa mà chỉ còn là ý niệm, là cái vỏ rỗng đã khô ruột, là hồn ma bóng quế ám ảnh, là hình dung từ vẽ vời của ngôn ngữ như một món trang sức làm đẹp của văn chương. Đừng quạt mãi những hòn than đã lịm tắt trong nước mắt mình rỏ mãi vào đống tro tàn. Đừng chốc chốc quen tay châm ít giọt dầu nếu không thể gây nên đám cháy lớn cho phượng hoàng bước ra từ lửa đỏ.

Sau hết, di sản to lớn thứ hai của Stephen Hawking là “Theory of Love” được thể nghiệm qua cuộc đời dài của ông, bắt đầu từ tình yêu bản thân, nghe qua chừng như nghịch lý nhưng thực sự, từ đây, con người luận ra sự đền đáp là tố chất không thể thiếu để tình yêu được mãi xanh tươi.

Bùi Bích Hà

If life has good time, it must also have hard time!!!
Growing old is compulsory!!!
11-03-2020 10:01 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Bọ Già Offline
Outstanding member
*****

Posts: 11,405
Joined: Dec 2012
Post: #4
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Sách có linh hồn không?


Bùi Bích Hà

Sinh trưởng ở thành phố Huế cổ kính, những thập niên đầu và giữa thế kỷ 20, chúng tôi chịu một nền giáo dục hết sức nghiêm khắc của gia đình. Cha mẹ và cả các anh chị, kiểm soát con em rất chặt chẽ về cả hai phương diện hành vi và tư tưởng. Người lớn rất sợ chúng tôi tiêm nhiễm những điều chất chứa trong nội dung các cuốn sách, nặng nhất là sách truyện hay tiểu thuyết. Bàn học của chúng tôi không có sách nào khác ngoài tập vở liên quan đến chương trình học ở nhà trường, Vài bạn may mắn được gia đình chăm sóc kỹ thì có mấy cuốn sách hồng mỏng tang nêu cao gương đạo đức cho tuổi thiếu niên.

Phần tôi, người vô tình gợi ý cho tôi tò mò muốn đọc sách từ tuổi lên bảy là chị cả của tôi. Bố mẹ tôi vì công việc, thường vắng nhà. Khác với tôi bị một chị và một anh trên mình canh gác và trừng phạt thay bố mẹ, chị không bị ai giám sát cả nên chị tự do đọc bất cứ sách gì chị muốn. Tôi còn nhớ như in cảnh những buổi trưa mùa Hè gió hây hây mát, chị ngồi dựa lưng trên cái ghế xích đu đặt ở mé hiên thấp thoáng nắng từ cái dàn thiên lý lá xanh như ngọc, quyển sách úp hờ hững trên ngực, hai mắt chị lim dim, khuôn mặt chị đằm đằm nét dịu dàng thỏa thuê của một bông hoa hé cánh. Chị ngưng đọc từng lúc như thế khiến tôi thầm đoán chắc chị đang ôn lại những gì chị vừa thấy mô tả qua mấy trang sách chị cầm trên tay. Điều này kích thích trí tưởng tượng non nớt của tôi, khiến tôi liều giấu một cuốn của chị trên cái hộp nước trong bồn cầu để tôi có chỗ đọc nó. Dần dần, bằng cách này, tôi đọc được nhiều sách lắm, của Dương thị Hạnh, Hoàng Ngọc Phách, Lê văn Trương, Phạm Cao Củng, v.v.. nhiều nhất là của Tự Lực Văn Đoàn. Có những cuốn đối thoại giữa các nhân vật rất hay và tôi bắt chước họ bằng cách một mình lần lượt đóng mấy vai, một mình đối đáp qua lại, làm đủ cử chỉ như sách mô tả đằng sau cánh cửa phòng vệ sinh tôi đã chốt kỹ. Sau này lớn lên, ăn nói trôi chảy, khẩu khiếu của tôi chắc từ đây mà ra.

Năm tháng trôi qua, như các bạn bè cùng trang lứa, thời mới lớn, tôi cũng có nhiều anh ngấm nghé. Có một anh du học bên Pháp về, cứ mỗi lần đến thăm tôi, anh đều cho sách, những cuốn anh chọn mua ở nhà sách Albert Portail (sau này là Xuân Thu) trên đường Catinat, Saigon. Nhờ anh, tôi đọc hết những cuốn của Francoise Sagan và rải rác trong chương trình học bên Văn khoa, vài cuốn của Jean Paul Sartre, Albert Camus, Somerset Maugham, Andre Gide (tôi bỏ nửa chừng) Alain Robbe-Grillet (tôi không mấy thích). Riêng trong số sách anh cho, có một cuốn không thuộc loại văn học nên tôi đặc biệt lưu ý, cuốn Sur Les Hauts Plateaux du Vietnam, viết về đời sống của các bộ lạc thiểu số vùng cao.

Thấy anh qua lại đã lâu mà tôi thì lửng lơ, mẹ tôi khuyến khích: “Này con, mẹ thấy cậu Thụy được đấy. Trai gái quen nhau mà cậu ấy chỉ cho con sách. Người quý sách tính tình nho nhã, thanh lịch và sâu sắc con ạ!”

Tôi ngạc nhiên nghe nhận xét của mẹ trong cách đánh giá một con người. Nhất là bà xuất thân từ một làng quê nghèo Bắc Ninh, bản thân mù chữ, trưởng thành với công việc đồng áng lam lũ cho đến khi bước vào ngôi nhà bề thế của bố tôi để sinh con cho ông. Mãi sau này, nghĩ lại, tôi mới nghiệm ra niềm an ủi nuôi sống mẹ tôi qua suốt cuộc đời nhọc nhằn, cơ cực của bà là mấy cuốn Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc mà tôi thực sự không biết nhờ đâu bà thuộc lòng không sót một câu!

Đến đời tôi, đứa con không ai chờ đợi trong gia đình vì trên tôi đã có một chị xinh đẹp và một anh khôi ngô, tuấn tú. Từ khi lọt lòng, tôi hẩm hút trong tay người đàn bà sinh ra tôi mà tôi chỉ được gọi là chị, loanh quanh với “người chị” từ tinh mơ đến quá nửa đêm, ngày nào như ngày nấy, phải làm trăm công ngàn việc, nhiều lắm chỉ cho tôi thỉnh thoảng ngửi hơi áo đầy mùi mắm muối của chị, không có thì giờ bế ẵm, chuyện trò với tôi, bỏ mặc tôi trong cái xe đẩy bằng mây, lọc cọc bốn cái bánh gỗ trong gian bếp ám khói là nơi chị phải đánh vật suốt ngày với mấy ông đầu râu để lo cơm nước cho mấy chục nhân khẩu. Biết đi rồi, tôi vẫn một mình lủi thủi chơi với mấy con côn trùng vô hại, với cái chày giã cua quấn cái tã cũ giả bộ làm búp bê, với cái bánh xe lăn vòng quanh cái sân gạch và tôi luôn miệng mời chào, “Chị ơi, chị đi xe của em lên chợ Đông Ba không?” Lớn hơn tí nữa, tôi lăn lóc từ sáng đến chiều tối với con cái những người thợ thuyền và công nhân trong nhà, chơi đủ thứ trò chơi lảm nhảm của đám con nít không có ai giáo dục như tôi. Phước đức tổ tiên để lại, nhờ chị cả, tôi bước vào thế giới sách và học được bao nhiêu điều kỳ diệu qua ngôn ngữ và cách ứng xử của các nhân vật tác giả vẽ ra trong những cuốn sách ấy. Cũng cắp sách đi học như nhiều trẻ con khác nhưng vì có tình yêu chữ nghĩa, tôi với biển học như cá gặp nước, cha mẹ không cần roi vọt đe nẹt, thúc bách. Hơn ai hết, tôi sớm biết sách là chìa khóa mở cửa một thế giới huy hoàng, của ánh sáng, của tâm hồn, của trí tuệ, của trái tim và của trí khôn nhân loại.

Mấy tháng nay, tôi có chị bạn đang loay hoay tìm hiểu, thu góp mọi tài tiệu liên quan đến những vụ đốt sách xảy ra ở Sài Gòn những ngày đầu tiên sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, khi cả miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris, lợi dụng thời cơ đến trong tầm tay và xua quân nuốt trọn phần lãnh thổ VNCH phía Nam vĩ tuyến 17. Chị nói với tôi: “Tội đốt sách cũng ngang với tội diệt chủng. Lịch sử kết tội những lò hơi ngạt của Hitler, sao không ai kết tội kẻ đốt sách?” Bạn tôi không quá lời nếu chúng ta hình dung được mỗi con chữ, mỗi cuốn sách cũng có linh hồn.

Trận đốt sách đầu tiên tôi chứng kiến diễn ra tại lề đường trước mặt rạp chiếu bóng Cao Đồng Hưng, gần chợ Bà Chiểu, Gia Định. Tôi không biết có bao nhiêu cuốn sách và những loại nào được gom thành đống có ngọn, cao chừng hơn một thước, đáy tòe ra chừng thước rưỡi. Nam nữ đoàn viên đội băng đỏ xúm quanh, hăng hái diễn thuyết về nền văn hóa Mỹ Ngụy đồi trụy cần phải được đốt sạch. Họ kêu gọi dân chúng tự giác đem nộp sách cho ủy ban quân quản xử lý hay là chờ nhà cửa bị lục soát, sách bị tịch thâu và người mang tội với giải phóng và nhân dân? Hiệu triệu xong, họ cùng nhau hò hét inh ỏi rồi châm lửa vào nấm mộ sách. Ngọn lửa nhanh chóng bốc lên ngùn ngụt, khói bay khét lẹt. Tôi hơi lạ, nghĩ sao sách mới in ra thơm mùi giấy, mùi mực là thế mà khi bị đốt, sách không thơm nữa? Mỗi tờ, mỗi trang là thịt da của sách chăng?

Sau màn đốt sách này, tôi chờ đợi phải chứng kiến thêm nhiều lần nữa nhưng không! Có ai đó thông suốt về kinh tế tầm nhỏ, đã mách nước chính quyền giải phóng đừng dại dột đem sách ra đốt vì tiền đấy! Đem bán ve chai hay giấy lộn sẽ thu được khối tiền. Thế là lề đường đầy người trải những tấm bạt bày bán sách cân theo kí lô và bạn hàng chạp phô các chợ xé sách xoàn xoạt để lấy giấy gói các vật phẩm bán lẻ cho người mua. Đó là cách làm kinh tế cấp kỳ của những người chủ mới của miền Nam Việt Nam sau “chiến thắng vĩ đại đưa họ lên đỉnh cao trí tuệ của loài người.”

Không đốt sách nhưng sách vẫn là một hiểm họa đáng sợ cho những kẻ không có khả năng đọc sách, hiểu sách để làm chủ sách. Sách vẫn muôn đời là ngọn đuốc soi đường, là vũ khí tranh đấu hiệu quả trên mặt trận xây dựng Tự Do/Dân Chủ/Nhân Quyền và Hạnh Phúc cho con người chống lại bóng tối của ngu muội và của sự ác. Không triệt được sách, không bỏ tù được sách thì triệt người viết sách, bỏ tù tác giả. Sau cuộc chiến đốt sách sớm tàn lụi là cuộc chiến truy đuổi và bách hại các văn nghệ sĩ, nhà báo, học giả, trí thức kẹt lại trong nước.

Viết đến đây, tôi sực nhớ mẹ tôi xuất thân mù chữ. Rõ ràng bà không có khả năng đọc, hiểu và làm chủ sách nhưng sao mẹ tôi không hằn thù, không sợ hãi sách mà trái lại, bà quý sách và ca tụng những người quý sách? Sự khác biệt giữa mẹ tôi và các đội viên mang băng đỏ ở tay áo ngày 30 Tháng Tư 1975, cả những kẻ ra lệnh cho họ đốt sách, là gì? Phải chăng là trái tim của yêu thương con người, của thiện ý muốn thấy cuộc đời này tươi đẹp hơn, tiến bộ hơn, sáng sủa hơn? Phải chăng là niềm tin vào khối óc con người cần được nuôi dưỡng và phát triển thay vì triệt hạ nó?

Thi sĩ Phùng Quán hạ bút viết những câu thơ để đời: “Có những phút ngã lòng, tôi vin câu thơ mà đứng dậy.” Mẹ tôi là nhân chứng cho thơ của ông khi bà sống được như một người tử tế và đi trọn cuộc hành trình khốn khó của bà trên mặt đất này cũng chỉ nhờ những câu thơ trong Kiều, Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc, để bà vịn đứng lên và không qụy ngã. Chữ nghĩa là tường thành, là đá tảng, là gậy thép, là sức mạnh sinh tồn vượt qua mọi thử thách và đe dọa. Sợ là phải.

Mới đây, nhân chuyện con nhện giăng tơ ở vườn sau nhà tôi, chúng tôi nhớ lại bài thơ cổ đăng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, người Việt Nam nào ra đời trong thế kỷ 20 đều thuộc: “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?”… Điều bất ngờ vô cùng lý thú là một anh trong nhóm chúng tôi đang có nguyên vẹn cuốn sách này trong tay, khiến tôi ngẩn ngơ rồi kinh ngạc, tự hỏi làm sao mà một cuốn sách mỏng có thể trôi nổi gần một thế kỷ, qua biết bao tai ương, sóng gió để vẫn đường hoàng tồn tại trong tủ sách của một người suốt đời yêu sách như thế? Tôi nhất định tin rằng không chỉ xương da mà sách còn có linh hồn và linh hồn ấy bất tử, sá gì ý đồ diệt sách của một chính thể vô đạo mà sự hiện diện tính bằng cái ngắn ngủi của một kiếp người?


Bùi Bích Hà

If life has good time, it must also have hard time!!!
Growing old is compulsory!!!
11-03-2020 10:06 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 41,785
Joined: Aug 2010
Post: #5
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Mắc cười !!! ahaha... bấm vô , tự nhiên chỉ thấy bài cuối cùng ! Đọc nửa chừng , thắc mắc , đọc hết , cũng thắc mắc : ủa, có gì về phở đâu ta ??? Cool ai dè , đi ra cửa phòng , quay đầu dòm lên : nhiều bài ! Bài đầu tiên mới là phở ! Lol

Thank Bọ mang vào nhiều bài đọc . Mai MA đọc từ bài đầu !
11-04-2020 11:01 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 41,785
Joined: Aug 2010
Post: #6
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Thanks , Bọ ! MA thích 2 bài đầu .
Bài Lẻ Bóng , hihihi....giống ông ngoại ! Big Grin
11-07-2020 03:41 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
diemt Offline
Junior Member
**

Posts: 3
Joined: Oct 2010
Post: #7
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
(11-07-2020 03:41 PM)maritza Wrote:  Thanks , Bọ ! MA thích 2 bài đầu .
Bài Lẻ Bóng , hihihi....giống ông ngoại ! Big Grin
Bài nào cũng hay hết.
02-16-2021 01:20 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Monica Offline
BH Member
***

Posts: 164
Joined: Oct 2010
Post: #8
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
Mơ mói nghe tin cô Bùi Bích Hà đã qua đời hôm nay 14/07/2021.
07-15-2021 01:24 AM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Bọ Già Offline
Outstanding member
*****

Posts: 11,405
Joined: Dec 2012
Post: #9
RE: Thú ăn phở - Góc truyện Bùi Bích Hà
(07-15-2021 01:24 AM)Monica Wrote:  Mơ mói nghe tin cô Bùi Bích Hà đã qua đời hôm nay 14/07/2021.
Thanks Mơ! Đúng là nỗi mất mát khi những tài hoa của thế hệ trước dần trôi theo thời gian thành người của muôn năm cũ!

If life has good time, it must also have hard time!!!
Growing old is compulsory!!!
07-15-2021 11:14 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Post Reply 


Forum Jump:


User(s) browsing this thread: 1 Guest(s)