Post Reply 
LỤC BÌNH - Bùi Nguyễn Trường Kiên
Author Message
maritza Offline
Moderator
*****

Posts: 41,959
Joined: Aug 2010
Post: #1
LỤC BÌNH - Bùi Nguyễn Trường Kiên
Sắc hoa vừa độ buồn loang tím
Trôi mãi chiều hôm chẳng bến bờ
Chậm thôi cho nhắn về phương ấy
Ta nhớ thương nàng ta với… thơ

Sắc hoa vừa độ buồn loang tím
Trôi mãi chiều hôm chẳng bến bờ
Nắng đi qua ngỏ chiều thu ấy
Để nhớ nồng cay nỗi mong chờ

Sắc hoa vừa độ buồn loang tím
Trôi mãi chiều hôm chẳng bến bờ
Cứ xa, xa mãi từ dạo ấy
Ta tiếc nhớ hoài một giấc mơ

Sắc hoa vừa độ buồn loang tím
Trôi mãi chiều hôm chẳng bến bờ
Hoa trôi để lại màu thương nhớ
Và tiếng thở dài chẳng bâng quơ!

BÌNH BÀI THƠ "LỤC BÌNH" CỦA Bùi Nguyễn Trường Kiên
(Tuệ Mỹ)

Không biết tự bao giờ, hoa lục bình, "một loài hoa mang mang sắc tím.Thân bồng bềnh theo con nước đầy vơi"(Vũ Quyên) đã trôi vào dòng chảy của nhạc, của thơ.Người ta yêu "Hoa tím ngày xưa"(nhạc Cao Vũ Huy Miên), người ta thích "Hoàng hôn"( thơ Phan Phương Nam). Và loài hoa ấy giờ lại trôi vào trang thơ của Bùi Nguyễn Trường Kiên qua bài "Lục bình".
Bài thơ"Lục bình" được viết theo thể thất ngôn,gồm bốn khổ thơ.Mỗi khổ đều bắt đầu bằng hai dòng thơ:
Sắc hoa vừa độ buồn loang tím

Trôi mãi chiều hôm chẳng bến bờ.

Màu tím hoa lục bình không giống màu tím Huế mộng mơ, mà là"với màu tím nhạt gợi lời buồn chi"(Phan Phương Nam).
Bản thân màu tím nhạt đó đã buồn lắm rồi , vậy mà nhà thơ còn phủ lên nó một màu buồn rộng lớn,lan tỏa hơn "buồn loang tím" . Cụm hoa lục bình ấy lại"trôi mãi" trong mắt nhà thơ vào buổi "chiều hôm" nên buồn lại càng buồn hơn .

Nỗi buồn sâu nặng ấy được nhà thơ gửi vào hoa lục bình,nhờ hoa"nhắn về phương ấy" "Ta nhớ thương nàng ta với..thơ" . Đến đây người đọc đã hiểu vì sao ta buồn đến vậy . Thì ra"nàng" đã về "phương ấy" nên "ta nhớ thương nàng" . Hóa ra ta buồn vì "nhớ người yêu" . Trong đời mỗi con người có bao nhiêu là nỗi nhớ nhưng không có nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ người yêu . Và nhớ người yêu là điệp khúc buồn xuyên suốt bài thơ .Đó cũng là lời lý giải vì sao hai dòng thơ trên lặp lại bốn lần trong bài thơ .
Vì nhớ người yêu là tình cảm chủ đạo của bài thơ nên ở bốn khổ thơ đều có chứa từ "nhớ".

Nếu ở khổ thơ thứ nhất " Ta nhớ thương nàng " chỉ mới thông tin về nỗi nhớ thì đến khổ thứ hai , nỗi nhớ đã đi đến độ sâu :
Nắng đi qua ngõ chiều thu ấy
Để nhớ nồng cay nỗi chờ mong

Từng nghe " nhớ da diết " , " nhớ cháy lòng" phải đến thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên mới biết "nhớ nồng cay". " Nhớ nồng cay " chất chứa sự lãng mạn của tình yêu đôi lứa còn thấm vị đắng cay của nỗi chia xa và sự đớn đau của sự cắt đứt chia lìa . Nỗi nhớ thường đi liền với " nỗi chờ mong " . Chờ mong người yêu ở " phương ấy " vô định chỉ thêm khắc khoải,và như thế chỉ càng làm tăng thêm độ " nồng cay " của nỗi nhớ mà thôi.

Vì chờ mong trong tuyệt vọng nên nỗi nhớ đã trở thành nỗi ám ảnh trong ta :

Cứ xa, xa mãi từ dạo ấy
Ta tiếc nhớ hoài một giấc mơ

Có phải đây là "giấc mơ tình yêu" mà ta và em đã xây dựng nên khi yêu nhau, giờ " xa, xa mãi " rồi nên ra " tiếc nhớ "? Có thể như thế vì " giấc mơ tình yêu " là cái đích đến của tình yêu, khi tan vỡ rồi ai mà không tiếc nhớ ? Nhưng xa người yêu , mất người yêu mà chỉ có " tiếc nhớ ' vậy thôi sao ? Nếu chỉ có vậy thì " nhớ nồng cay " và " chờ mong " khắc khoải ở trên có ý nghĩa gì ? Ở một số bài thơ khác của nhà thơ , hình ảnh " giấc mơ " cũng xuất hiện :

Gặp em như gió thoảng
Thổi qua chiều hư không
Để đêm về mê sảng
Giấc mơ buồn bên sông

(Lạc mất)

Gặp em độ nào một hôm từ thuở
Về chiêm bao từ ấy suốt tháng ngày
Để nỗi nhớ chất chồng lên nỗi nhớ
Giấc mơ nào cũng thấy mắt mình cay
(Giấc mơ nào cũng thấy mắt mình cay)

Phải là " Giấc mơ buồn " , " Giấc mơ nào cũng thấy mắt mình cay " thì mới lột tả được độ " nồng cay ' của nỗi nhớ và sự khắc khoải của " chờ mong ".Vì nhớ người yêu là " nỗi nhớ chất chồng lên nỗi nhớ " không chỉ có ngày nhớ mà " đêm về mê sảng " nữa. Như thế mới gọi là yêu . Có yêu nhiều mới đậm sâu nỗi nhớ . Và phải chăng ta tiếc nhớ giấc mơ tình yêu để tìm em trong "Những giấc mơ buồn"?

Những tưởng nhờ lục bình mang nỗi " nhớ thương nàng " nhắn về phương ấy là ta có thể vơi đi thương nhớ . Nhưng không :
Hoa trôi để lại màu thương nhớ
Và tiếng thở dài chẳng bâng quơ !

" Thương nhớ " vốn là cái vô hình được cảm nhận bằng con tim nhưng dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ nó trở nên hữu hình có thể " thấy " được, nắm bắt được cái " màu " thương nhớ ấy . Đúng thế, vì nỗi buồn của ta đã " oang tím " cả dòng sông , nhuộm tím cả trời chiều , thấm đẫm vào nước , vào cỏ cây...nên " hoa trôi '" đi rồi mà " màu thương nhớ " cứ còn đọng mãi trong ta." Màu thương nhớ " là một hình tượng thơ độc đáo,không chỉ được xây dựng nên bằng sự chuyển hóa cảm giác mà còn bằng sự liên tưởng ở sắc màu . Có phải từ màu tím nhạt (màu buồn) của hoa lục bình , dưới cái nhìn của nhà thơ nó trở thành "màu thương nhớ" . Và phải chăng "màu thương nhớ" là cái thần , hồn của bài thơ ?. "Hoa trôi" rồi, em đi xa rồi để lại trong ta một trời thương nhớ "Và tiếng thở dài chẳng bâng quơ ! ". Chứ biết làm sao được ngoài tiếng thở dài tuyệt vọng , tiếc nuối ! Chẳng " bâng quơ " đâu . Là thật đấy ! " Tiếng thở dài " bật lên từ nơi sâu thẳm nhất của lòng ta không chỉ ở " Lục bình " mà còn vọng xa mãi trong " Lạc mất " , " Giấc mơ nào cũng thấy mắt mình cay " , " Những giấc mơ buồn "...của nhà thơ. "Tiếng thở dài" tuy buồn thương nhưng lại tạo nên " sinh khí " cho những bài thơ tình của Bùi Nguyễn Trường Kiên.

Vậy là , từ " nhớ thương nàng" rồi "nhớ nồng cay" đến "tiếc nhớ" và "màu thương nhớ" cung bậc của nỗi nhớ cứ tăng dần , cao dần... đến tột cùng nhớ thương với " màu thương nhớ ". Thế mới biết xa người yêu , mất người yêu chỉ có thương nhớ, nhớ thương trong nỗi thất tình thôi . Người đọc cảm nhận nỗi thất tình của nhân vật trữ tình không chỉ thông qua hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ giàu sức gợi cảm mà còn ở giai điệu bài thơ nữa . Với giai điệu trầm bổng của thể thơ bảy tiếng ổn định với luật trắc bằng , bài thơ khi đọc lên nghe như tiếng thương , tiếng nhớ, tiếng thở dai của chàng trai thất tình . Không biết ở "phương trời ấy" nàng có nghe được tiếng lòng của Ta không.?

"Lục bình" có phải là tiếng lòng của nhà thơ không mà sao làm cảm động lòng người về nỗi thất tình sâu sắc đến vậy ? Hỡi những ai đã nếm trải nỗi thương nhớ người yêu hãy tìm đến " Lục bình" của Bùi Nguyễn Trường Kiên sẽ tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc.

Tuệ Mỹ 11-8-2015
08-10-2021 12:29 PM
Find all posts by this user Quote this message in a reply
Post Reply 


Forum Jump:


User(s) browsing this thread: 1 Guest(s)